top of page
Writer's pictureThương Lee

Quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Hiện nay, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine phòng chống Covid-19 là điều mà tất cả mọi người quan tâm. Ngày 24/02/2021, lô vaccine đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu đã được vận chuyển về Việt Nam bởi công ty cổ phần Vaccine Việt Nam.



Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ ý kiến về những hạn chế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối thuốc tại Việt Nam. Việt Nam đã bảo lưu không cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối thuốc và cũng chưa cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối thuốc trong bất cứ khuôn khổ hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế nào tính đến thời điểm hiện tại, vì lĩnh vực dược là lĩnh vực nhạy cảm, trực tiếp liên quan đến tiếp cận thuốc và sức khỏe nhân dân.


Theo quy định của pháp luật, phân phối thuốc là hoạt động phân chia và di chuyển, bảo quản thuốc trong quá trình di chuyển từ kho của cơ sở sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc hoặc từ cơ sở phân phối cho đến người sử dụng hoặc đến các điểm phân phối hoặc giữa các điểm phân phối bằng các phương tiện vận chuyển khác nhau. Đối với dịch vụ phân phối, tại Biểu cam kết WTO đã quy định rõ dịch vụ phân phối dược phẩm được loại trừ ra khỏi phạm vi cam kết đối với mọi phương thức cung cấp. Bên cạnh đó, Phụ lục 03 Thông tư 24/2016/TT-BCT công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến múa bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng ghi nhận dược phẩm thuộc danh mục hàng hóa không được thực hiện quyền phân phối.


Đối với vấn đề này, Cục Quản lý dược thể hiện quan điểm như sau: “Việc ngừng cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cung cấp dịch vụ bảo quản, vận chuyển thuốc là nhằm ngăn chặn hoạt động phân phối thuốc trá hình tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh y tế và hướng tới chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối thuốc tại Việt Nam.”


Điểm c khoản 10 điều 91 Nghị định 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/05/2017 quy định về các trường hợp không được quyền phân phối thuốc như sau:

“10. Các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính cơ sở sản xuất tại Việt Nam, bao gồm:

… c) Vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc.”


Theo nội dung này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không được được vận chuyển và nhận bảo quản thuốc, trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính doanh nghiệp đó sản xuất tại Việt Nam. Có thể thấy, việc hạn chế quyền phân phối thuốc đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là nhằm các mục tiêu bảo đảm bảo an ninh y tế, chủ động trong việc cung ứng và phân phối thuốc, hướng tới chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối thuốc trong nước làm nền tảng hỗ trợ cho phát triển công nghiệp dược nội địa, đồng thời góp phần kiểm soát tốt hơn về giá thuốc trên thị trường.



1 view0 comments

Comments


bottom of page